‘Một lần bất tín vạn lần bất tin’?
Người Việt Nam vốn thích khen nên ít nói đến lời chê, chúng ta cần quen dần với những lời chê để sửa mình tốt hơn. Bài viết không quá lo ngại, nhưng là tiếng chuông báo động nhắc nhở người làm du lịch cần chấn chỉnh.
Hiện nay, chuyện “chặt chém” du khách lại nổi lên trên các mặt báo. Nhưng chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ bài viết “Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?“ của Matt Kepnes được Huffington Post đăng ngày 30/1/2012.
Tôi không phải cái máy rút tiền (ATM) di động
Matt Kepnes cho biết mình là một người du lịch “bụi”. Anh đã đến du lịch Việt Nam trong vòng một tháng vào năm 2007. Sau khi về nước, Matt Kepnes đã kể về những trải nghiệm của mình ở Việt Nam trên blog cá nhân của mình. Rằng mình “liên tục bị quấy rầy, bị chặt chém, trả giá đắt và đối xử tệ“.
Kết quả Matt Kepnes đã tuyên bố trong bài viết của mình: “Sau những kinh nghiệm của tôi có được từ năm 2007, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại đây trừ khi phải đến Việt Nam với mục đích kinh doanh hoặc do yêu cầu của bạn gái”.
Sau khi bài viết nói trên được Huffington Post đăng lại ngày 30/1/2012 thì Matt Kepnes bỗng trở nên “nổi tiếng” trong cộng đồng mạng. Một tờ báo lớn của thế giới, tờ BBC đã liên hệ và phỏng vấn Matt Kepnes từ Campuchia về quan điểm của anh đối với du lịch Việt Nam.
Matt Kepnes trả lời rằng: “Tôi đã đến nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó Hội An là nơi tôi yêu thích nhất, nhưng thậm chí tôi cũng bị quấy rầy bởi những người bán hàng”. Matt Kepnes còn tuyên bố thẳng thừng: “Tôi không muốn quay trở lại vì tôi bị đối xử quá khác biệt. Tôi không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động”.
Trong bài phỏng vấn của mình trước BBC, Matt Kepnes cũng đã cho biết “khoảng 95 % những người du lịch Việt Nam nói họ sẽ không quay trở lại”, “Việt Nam là đất nước ít thân thiện nhất mà tôi từng đến”. Đó là lời nhận xét mang tính chủ quan, khá nặng nề của Matt Kepnes trong cuộc phỏng vấn với BBC.
Nói về bài viết gây “sốc” của Matt Kepnes, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng: “Người Việt Nam vốn thích khen nên ít nói đến lời chê, chúng ta cần quen dần với những lời chê để sửa mình tốt hơn. Bài viết không quá lo ngại, nhưng là tiếng chuông báo động nhắc nhở người làm du lịch cần chấn chỉnh”.
Nhận định của ông Vũ Thế Bình khiến người viết có nhiều suy nghĩ. Đúng là Việt Nam cần chấn chỉnh lại chất lượng và cung cách dịch vụ du lịch của mình. Và cũng đã đến lúc du lịch Việt Nam phải tự “soi mình”, tích cực sửa chữa để có thể hút khách và phát triển bền vững. Cũng là một cách quảng bá xứ sở Việt Nam một cách văn hóa nhất.
Thật ra Matt Kepnes không phải là trường hợp “không may mắn” duy nhất khi du lịch “bụi” tại Việt Nam. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ vụ hai vợ chồng trẻ người Hồng Kông sang hưởng lễ Giáng sinh tại Việt Nam và đã bị móc sạch túi trong một lần đi chơi ở TP Hồ Chí Minh. Cuối cùng, trong khi chờ công an truy tìm lại tài sản, họ đã phải bày bán ảnh du lịch để kiếm sống và ở nhờ nhà dân.
Dư luận Việt Nam đã bàn luận rất nhiều hình tượng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế khi sự việc này xảy ra. Nhưng rốt cuộc, khi Kay và Doris (tên của đôi vợ chồng nói trên) lên đường về nước thì sự việc đã chìm vào quên lãng. Theo lẽ thường tình, có lẽ đôi vợ chồng này cũng khó có thể vui lòng quay trở lại Việt Nam để du lịch. Bởi theo quan điểm của người Á Đông thì “một lần bất tín thì vạn lần bất tin”.
Sự cố Lantar-Viet và nỗi lo du lịch Việt
Mấy ngày hôm nay, báo chí cũng lại liên tục đưa tin về chuyện “chặt chém” khách du lịch. Nhưng nhờ đó một số “con sâu làm rầu nồi canh” như tài xế lái xe taxi, xích lô và những nhà hàng “chém đẹp” du khách đã bị các cơ quan chức năng vào cuộc, bị phạt và phải xin lỗi du khách.
Thậm chí, quan chức đứng đầu ngành du lịch nước ta cũng đã đến tận nơi ở của hai mẹ con khách du lịch nước ngoài bị người đạp xích lô “chém” 1,3 triệu đồng để xin lỗi và tặng họ một chiếc bình gốm dân tộc.
Thực tế du lịch Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng hình ảnh của mình đến với bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, chúng ta vẫn còn nhớ vào ngày 1/2/2012, khi Công ty Du lịch Lantar- Viet của Nga bất ngờ tuyên bố phá sản, 124 du khách Nga đã bị “người đồng hương” của họ bỏ rơi ở Mũi Né (Bình Thuận) trong tình trạng không biết nhờ vả vào ai.
Đại diện chính quyền sở tại, ông Nguyễn Thành Tâm (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khi đó cho biết dù không thể tránh được những khó khăn, thiệt thòi, nhưng vì thương hiệu của Mũi Né, vì ngành du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung, các resort vẫn lo chu đáo cho 124 du khách của Công ty Lanta- Viet.
Sau vụ việc này, ông Klimov Vladimir- nhân viên lãnh sự thuộc Lãnh sự quán Nga tại TP.HCM đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với chính quyền sở tại. Như vậy, việc tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện cho 124 du khách Nga có thể tiếp tục tham quan, nghỉ dưỡng theo đúng lịch trình là một thành công lớn đối với hình ảnh du lịch Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
Như chính Huffington Post cũng có phần lưu ý của Matt Kepnes với bạn đọc rằng: “Trong khi tôi trải nghiệm điều không hay tại Việt Nam thì nhiều người đã có kỷ niệm đẹp”. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, hy vọng Matt Kepnes sẽ phải suy nghĩ lại về những phát ngôn của mình về du lịch Việt Nam. Bởi lẽ những gì Matt Kepnes gặp phải ở Việt Nam chỉ là một nửa sự thật.
Rõ ràng, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Các kỳ Festival đặc thù của các tỉnh, thành phố ngày càng thu hút du khách. Sự thành công của các cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Nha Trang, Vịnh Hạ Long- kỳ quan thiên nhiên thế giới đã trở thành “khát vọng” hóa Rồng của ngành du lịch Việt Nam… Bên cạnh đó, các khách sạn 4-5 sao, các resort, các khu du lịch hiện đại được xây dựng nhanh chóng cũng góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp cho du lịch Việt Nam.
Nhưng với những điều đó thôi thì chưa đủ. Bởi lẽ chúng ta cũng cần phải chuyên nghiệp cả trong các tour du lịch, dịch vụ nhà hàng và các dịch vụ bình dân khác. Mà khổ thay, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động “nghiệp vụ” này lại còn …rất kém!
Bên cạnh đó, cung cách quản lý du lịch và các dịch vụ đi kèm cũng phải có những bước đi cần thiết và hiệu quả. Còn nhớ, cách đây chừng ba năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng từng bày tỏ mong muốn lực lượng cảnh sát du lịch được thành lập theo mô hình của các nước có nền du lịch phát triển như Pháp, Tây Ban Nha hay Ai Cập, Thái Lan… để giải quyết tại chỗ những hiện tượng lừa đảo, “chặt chém” ép khách, ép giá. Tuy nhiên cho đến nay ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện.
Thực tế đa phần du khách nước ngoài đến Việt Nam đều là “Tây ba lô”, du lịch “bụi” bằng tiền bảo hiểm thất nghiệp trong khi… chờ việc, hoặc họ là công nhân, viên chức du lịch trong thời gian nhàn rỗi hoặc ngày lễ, tết. Các du khách nói trên cũng là những gia đình, những nhóm bè bạn đi chung tour để được các công ty lữ hành khuyến mãi và hạ chi phí.
Đừng xem du khách như một “mỏ vàng” để moi tiền bằng mọi cách. Nhưng nếu được đối xử công bằng và thân thiện thì chắc chắn du khách sẽ cảm thấy hài lòng và lưu luyến. Nhất là đối với những du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam, người sẽ mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách hồ hởi và trực tiếp nhất.
Nguyễn Văn Toàn
Xem thêm: Thùng rác y tế, thùng rác công cộng, thùng rác công nghiệp, nhà vệ sinh di động, xe gom rác